Các loại máy tính của Apple như máy iMac để bàn và laptop Macbook được nhiều người lựa chọn vì hiệu suất cao rất lý tưởng để làm việc. Nhưng nếu máy Mac bị lỗi không khởi động được thì phải làm sao? Dưới đây là hướng dẫn khắc phục nhanh sự cố này để máy của bạn hoạt động bình thường trở lại, hãy cùng xem nhé!

MacBook hay iMac của bạn không bật lên được, hoặc chỉ xuất hiện logo Apple mà không khởi động hoàn toàn? Đây là lỗi rất khó chịu, nhưng thường không nghiêm trọng và có thể khắc phục được đơn giản.

Cách khởi động máy Mac bình thường như thế nào?

Trước khi tìm hiểu cách sửa lỗi, bạn phải biết nút nguồn của máy Mac bình thường nằm ở đâu.

  • Trên các dòng MacBook đời mới, nút nguồn cảm ứng nằm ở góc trên bên phải bàn phím có hình vuông màu đen, có thể được ký hiệu hình tròn màu đen hoặc không ký hiệu gì. Nút này cũng có chức năng như cảm biến vân tay Touch ID, bạn chỉ cần nhấn ngón tay vào đó để bật nguồn máy tính.
Nút nguồn của Macbook Air (Ảnh: Internet)
Nút nguồn của Macbook Air (Ảnh: Internet)
  • Đối với MacBook đời cũ, nút nguồn là nút vật lý có ký hiệu rõ ràng cũng nằm ở góc trên bên phải bàn phím, cạnh các phím F.
  • Nút nguồn của máy tính để bàn iMac có hình tròn nằm ở mặt sau góc dưới bên trái. Trên máy Mac Mini và Mac Studio, nút nguồn nằm ở mặt sau góc phải.

Dưới đây là các bước bạn cần làm để khởi động lại máy Mac, chỉ cần làm đúng theo trình tự, riêng trường hợp máy không khởi động sau khi cập nhật hệ điều hành không thành công thì hãy làm ngay bước thứ 8.

1. Kiểm tra nguồn điện

Đầu tiên hãy xem máy Mac của bạn có điện hay không. Điều này có vẻ đơn giản nhưng là bước không thể bỏ qua. Nếu MacBook của bạn không khởi động khi dùng pin thì hãy cắm điện trực tiếp để thử, vì pin có thể đã cạn hoặc bị hư.

Kiểm tra các bộ phận cấp điện cho máy (Ảnh: Internet)
Kiểm tra các bộ phận cấp điện cho máy (Ảnh: Internet)

Nếu cắm điện vẫn không mở máy được thì hãy kiểm tra xem kết nối có đúng cách và bộ đổi nguồn có bị hư hay không, hoặc thử cắm bằng dây khác. Cũng đừng quên kiểm tra cổng cắm dây có sạch hay không, vì bụi bẩn có thể cản trở kết nối cổng USB-C và bộ sạc MagSafe.

Bên cạnh đó hãy lưu ý các thiết bị phần cứng ngoại vi được kết nối với máy như máy in hoặc máy tính bảng đồ họa, ngắt dây các thiết bị này để kiểm tra vì đôi khi chúng là nguyên nhân khiến máy Mac không khởi động được. Nếu bạn dùng máy Mac Mini hoặc Mac Studio thi hãy kiểm tra màn hình được kết nối và cắm điện đúng cách hay không.

2. Xả hết pin của máy

Bước tiếp theo là xả hết pin, làm cho máy cạn hết năng lượng để sau đó khởi động lại từ đầu. Trên MacBook đời mới, kể cả những dòng máy dùng chip silicon của Apple, hãy rút dây nguồn và nhấn giữ nút nguồn trong 10 giây. Đối với MacBook đời cũ, hãy rút dây và tháo pin ra khỏi máy ít nhất 10 giây. Nếu bạn đang dùng máy Mac để bàn, hãy rút điện trong ít nhất 10 giây.

Nhấn giữ nút nguồn trong ít nhất 10 giây có tác dụng giống như nhấn nút “reset” hay rút điện đối với điện thoại, máy đọc sách điện tử và hầu hết những thiết bị không cho phép tháo pin. Đây là một mẹo hay mà bạn nên ghi nhớ.

Sau đó cắm điện lại và nhấn nút khởi động xem máy có lên hay không. Cách này thường có hiệu quả trong phần lớn các trường hợp.

3. Khởi động ở chế độ an toàn

Khởi động máy Mac ở chế độ an toàn (Ảnh: Internet)
Khởi động máy Mac ở chế độ an toàn (Ảnh: Internet)

Khi MacBook không khởi động được, bạn hãy nhớ lại xem mình đã làm những việc gì trên máy trước đó, ví dụ như cài đặt ứng dụng, thay đổi phông chữ hay điều chỉnh hệ thống. Bất kỳ thay đổi nào với máy cũng có thể là nguyên nhân gây sự cố.

Nếu máy Mac có dấu hiệu hoạt động khi bật nguồn, ví dụ như có hiện logo Apple nhưng không khởi động tiếp hoặc chỉ dừng lại ở màn hình đăng nhập, thì một cách khắc phục là khởi động ở Chế độ an toàn.

  • Trên các máy Mac dùng chip silicon của Apple, hãy tắt máy rồi nhấn giữ nút nguồn cho đến khi lên màn hình tùy chọn khởi động. Chọn ổ đĩa chính của máy, nhấn phím Shift và chọn Continue in Safe Mode (Tiếp tục ở Chế độ an toàn).
  • Trên các máy Mac đời cũ, nhấn nút nguồn rồi ngay lập tức nhấn giữ phím Shift cho đến khi lên màn hình đăng nhập, sau đó tiếp tục như bình thường.

Chế độ an toàn có tác dụng kích hoạt các thuật toán kiểm tra chẩn đoán, sau đó khởi động phiên bản rút gọn của hệ điều hành macOS, tức là chỉ chạy những chương trình cơ bản để máy hoạt động mà không tải các ứng dụng khởi động, phông chữ tùy chỉnh, tính năng phần cứng bổ sung hay bất kỳ thứ gì không cần thiết.

Nếu máy khởi động thành công ở chế độ an toàn, đó là dấu hiệu cho thấy các yếu tố bên ngoài là thủ phạm gây ra sự cố, vì vậy bạn nên gỡ các ứng dụng mới cài đặt gần đây, tắt các chương trình tự khởi động, ngắt các thiết bị phần cứng và bỏ hết những thay đổi gần đây mà bạn đã thực hiện.

4. Reset lại SMC

Bộ điều khiển quản lý hệ thống (SMC) có nhiệm vụ điều khiển các chức năng cơ bản của máy Mac, từ đèn nền bàn phím đến quản lý pin và cả quá trình khởi động máy. Do đó reset SMC là một cách hiệu quả có thể khắc phục nhiều vấn đề thường gặp, kể cả lỗi không khởi động được.

Có nhiều cách reset SMC khác nhau tùy theo loại máy Mac, riêng những dòng máy dùng chip silicon của Apple không cần làm bước này.

Máy Mac để bàn dùng chip Intel

  • Rút điện và đợi 15 giây.
  • Cắm điện lại và đợi 5 giây.
  • Nhấn nút khởi động lại máy.

MacBook Pro 2018 và MacBook có chip bảo mật T2

  • Nhấn giữ tổ hợp phím Shift bên phải, phím Option bên trái (Alt) và phím Control bên trái trong 7 giây.
  • Nhấn giữ nút nguồn thêm 7 giây đồng thời vẫn giữ các phím trên.
  • Thả hết các phím ra, đợi vài giây rồi nhấn nút khởi động lại.

MacBook chip Intel không có pin rời

  • Nhấn giữ tổ hợp phím bên trái Shift, Option (Alt)Control cùng với nút nguồn (hoặc nút Touch ID) trong 10 giây.
  • Thả hết các phím, sau đó khởi động lại máy.

MacBook đời cũ có pin rời

  • Tháo pin rồi nhấn giữ nút nguồn trong 5 giây.
  • Lắp pin lại và khởi động máy.

5. Reset NVRAM hoặc PRAM

Reset NVRAM (Ảnh: Internet)
Reset NVRAM (Ảnh: Internet)

NVRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên không thay đổi) là một phần đặc biệt trong bộ nhớ của máy Mac, có chức năng lưu trữ một số chế độ cài đặt nhất định mà hệ thống cần truy cập nhanh. Trên thực tế bộ phận này bị lỗi ít khi làm cho máy không khởi động được, nhưng việc reset nó để kiểm tra cũng không gây hại gì.

Tương tự như SMC, các máy Mac dùng chip Apple không cần reset NVRAM. Các máy Mac đời cũ được trang bị PRAM thay vì NVRAM nhưng cách reset cũng giống nhau:

  • Nhấn nút nguồn, ngay sau đó nhấn giữ tổ hợp phím Option (Alt), Command, P R trong 20 giây, kể cả khi máy có vẻ khởi động bình thường.
  • Nếu máy phát ra âm báo khởi động thì hãy thả phím sau khi có tiếng chuông lần thứ hai.
  • Nếu máy Mac của bạn có chip T2, hãy thả phím sau khi logo Apple biến mất lần thứ hai.

Khi máy đã khởi động lại, một số cài đặt cơ bản như múi giờ và âm lượng có thể bị sai và cần chỉnh lại.

6. Chạy chương trình chẩn đoán của Apple

Thông thường những cách trên là đủ để máy Mac khởi động lại, nếu không thì bước tiếp theo là kiểm tra sự cố phần cứng bằng công cụ chẩn đoán của Apple. Công cụ này có nhiệm vụ kiểm tra lỗi, sau đó đề xuất cách khắc phục hoặc đưa ra cách hỗ trợ cho bạn.

Chạy chẩn đoán của Apple (Ảnh: Internet)
Chạy chẩn đoán của Apple (Ảnh: Internet)

Để chạy chẩn đoán, đầu tiên phải ngắt kết nối mọi thiết bị ngoại vi không cần thiết như máy in. Bạn có thể giữ lại bàn phím, chuột và màn hình nếu cần.

  • Bấm nút nguồn.
  • Nhấn giữ phím D đến khi màn hình hiện yêu cầu chọn ngôn ngữ.
  • Sau khi bạn chọn ngôn ngữ, chương trình chẩn đoán của Apple sẽ bắt đầu chạy.

Sau vài phút, chẩn đoán hoàn thành và bạn sẽ thấy kết quả của nó. Một số vấn đề có cách khắc phục nhanh, sau đó bạn có thể chạy chẩn đoán lại để kiểm tra. Các vấn đề khó hơn sẽ có mã tham chiếu để bạn có thể tìm hiểu trên trang web chẩn đoán của Apple. Công cụ này cũng đưa ra các tùy chọn hỗ trợ cho máy Mac của bạn. Nếu không có vấn đề gì thì lỗi có thể không phải do phần cứng của máy.

Các dòng máy Mac được phát hành trước tháng 6/2013 có công cụ kiểm tra phần cứng của Apple, chức năng và cách sử dụng cũng tương tự như trên, chọn ngôn ngữ và nhấn Test để bắt đầu.

Công cụ kiểm tra phần cứng của Apple (Ảnh: Internet)
Công cụ kiểm tra phần cứng của Apple (Ảnh: Internet)

7. Các công cụ trong chế độ phục hồi

Tất cả máy Mac đều có phân vùng đặc biệt tên là Recovery (phục hồi) trong ổ cứng. Nó có chức năng khởi động độc lập với hệ điều hành macOS và cho phép bạn sử dụng bộ công cụ để sửa lỗi cho máy.

Cách khởi động máy ở chế độ Recovery như sau:

  • Bấm nút nguồn.
  • Nhấn giữ phím Command + R.
  • Thả các phím khi có logo Apple trên màn hình.
  • Khi máy khởi động xong sẽ có menu macOS Utilities (Tiện ích macOS) trên màn hình.
Chế độ phục hồi của macOS (Ảnh: Internet)
Chế độ phục hồi của macOS (Ảnh: Internet)

Công cụ thường dùng trong menu này là Disk Utility. Đây là phiên bản tương tự như một công cụ trong macOS có chức năng quét và sửa chữa ổ cứng của máy. Chọn ổ đĩa và nhấn First Aid (Sơ cứu) để bắt đầu quá trình sửa chữa. Ngoài ra có một số công cụ khác như Terminal dành cho người dùng chuyên nghiệp.

8. Cài đặt lại macOS ở chế độ phục hồi

Nếu những cách trên không hiệu quả thì có thể nguyên nhân không liên quan đến phần cứng và cũng không phải lỗi đơn giản của phần mềm. Cách tốt nhất trong trường hợp này là khôi phục bản sao lưu Time Machine hoặc cài lại hoàn toàn hệ điều hành macOS.

Cài lại hệ điều hành macOS (Ảnh: Internet)
Cài lại hệ điều hành macOS (Ảnh: Internet)
  • Bạn có thể thực hiện việc này thông qua chế độ Recovery, đầu tiên hãy nhấn nút nguồn và giữ phím Command + R để hiện menu tùy chọn.
  • Nếu bạn có bản sao lưu Time Machine gần đây thì có thể chọn khôi phục nó để sửa lỗi cho máy.
  • Nếu không có bản sao lưu thì hãy chọn Reinstall macOS (Cài đặt lại macOS), sau đó có thể chọn định dạng ổ đĩa trong quá trình cài lại, nếu bạn chỉ muốn sửa lỗi cho macOS thì không chọn bước này.
  • Làm theo hướng dẫn trên màn hình để hoàn tất quá trình cài đặt, lưu ý phải kết nối mạng Internet để tải hệ điều hành về máy. Nếu không có mạng thì có thể phải khởi động máy Mac từ ổ đĩa USB.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Cách tìm video gốc trên mạng bằng các công cụ tìm kiếm ngược video

Từ làm meme cho đến chia sẻ video thú vị lên mạng, có nhiều lý do khiến bạn cần tìm kiếm toàn bộ một video cụ thể từ một đoạn clip hoặc một đoạn phim ngắn. Mặc dù Google Photos cho phép tìm kiếm ngược hình ảnh, nhưng việc tìm kiếm ngược video có thể sẽ khiến bạn khó ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận